Sunday, April 4, 2010

TỘI LỖI?

Tín ngưỡng là một điều khó giải thích. Có người tu trong tâm, có người tu cái miệng, và cũng có người tu để thành thánh.

Từ bé Lu ở chùa, Lu cạo đầu ba vá, Lu ăn chay, Lu tụng kinh gõ mõ. Nói chung, Lu đã từng có chân tu đấy cả nhà ạ. Nhưng con giống cha thì nhà có phúc, ba Lu hoàn tục vì nợ đời chưa dứt. Còn Lu nghỉ tu vì cứ mơ màng nhìn trời thấy chim bay, nhìn rừng thấy hoang dã, thế là máu giang hồ phiêu lưu ký không cho phép Lu sáng mõ chiều kinh.

Từ ngày Lu nhớn nhớn rồi thì hầu như Lu chẳng bao giờ đi chùa xin khấn gì cả. Lý do, lúc bé Lu thành tâm gõ mõ và xin xỏ nhiều lắm, nhưng phật chẳng cho gì cả nên bi giờ Lu biết rằng có xin cũng không được. Đôi lúc Lu có theo bạn bè đi chùa chỉ là muốn tìm hiểu về kiến trúc lịch sử thôi.

Tín ngưỡng tự bao giờ nó đã ở trong tâm của Lu, không làm hại ai, không sống lừa lọc là tu tại tâm rồi. Đây là lời của ba Lu dạy đấy nhá. Ba Lu, tuy bỏ đạo hoàn tục lấy vợ, có bị hơi nhiều đờn bà thích, nhưng ba Lu là người đàn ông có trách nhiệm và rất tốt.

Một bằng chứng hay nhất là ba Lu đã dám mang về nhà nuôi một lúc ba đứa con nuôi. Ông đứng tên khai sinh họ của ông và nuôi cho ăn học nên người. Lu nghĩ, nếu ba Lu không mang những đứa trẻ đó về nhà thì...có đứa chết vì kiến cắn ở ngoài đường khi mới sinh có mấy ngày, có đứa vào viện mồ côi không ai thừa nhận. Có đứa...nói chung là tương lai rất đen tối đấy. Người ta nói, công sinh không bằng công dưỡng.

Lu nói dài dòng thế vì tuần này là giỗ của ba Lu. ông mất đã hai năm rồi. Bên nhà làm giỗ Lu không về được vì công ty bận rộn. Nhưng Lu cũng phải làm gì đó cho ba Lu vui, Lu đi chùa xin sư đọc kinh cầu siêu cho ông. Lu nhớ lúc ba Lu còn sống hay kể rằng, ngày giỗ là ngày người mất sẽ về nhà thăm con cháu cùng ăn bữa cơm với gia đình.

Lu cũng muốn ba Lu ăn cơm chung với Lu, cho dù một năm chỉ có một ngày thôi. Nhưng có vấn đề cần suy nghĩ cả nhà ạ. Đám lính Ấn của Lu không chịu ăn mặn thì ba của Lu lại không thích ăn chay. Ba Lu chỉ thích ăn beef steak, nếu cho ăn chay ông sẽ bỏ cơm và không chịu ăn gì cả. Chiều nay Lu vào chùa gặp sư.

-"Sư à, tuần này là giỗ của ba con. Con muốn nhờ sư cúng cầu siêu."

Sư trả lời.

-"Không thành vấn đề, con nhớ mua hoa quả mang đến rồi nhà chùa làm mâm cơm cúng cho ông cụ"

Lu dò dẫm.

-"À...nhà chùa không cần làm cơm cúng cho ba con đâu."

Sư ngạc nhiên.

-"Sao vậy? con không muốn cho ông cụ về ăn bữa cơm à?"

Lu nói nhỏ vào tai sư.

-"Sư này, đừng bày vẽ chi chuyện cơm nước, con sẽ mua bò bảy món kèm với soup vi cá mang vào cho ba con ăn. Lúc còn sống ông già con chỉ thích ăn thế thôi à!"

Sư nhìn Lu với ánh mắt kinh hoàng như vừa gặp satan, miệng kêu rối rít.

-"Mô phật! mô phật! tội lỗi...tội lỗi con à!"

Hà...nếu Lu cúng mặn thì Lu mang tội phá giới nhà chùa, nhưng cúng chay thì Lu mang tội làm cho ba Lu buồn.

Xem ra ẩm thực không những bị xung đột trong vấn đề đa sắc tộc, mà trong tín ngưỡng cũng thế cả nhà ạ.

12 comments:

  1. Em à, một nén nhang tưởng nhớ đến ba em nhé!

    Cúng giỗ là nghi thức tưởng nhớ người đã khuất theo tục lệ của dân tộc "Đạo ông bà", mời người đã khuất về ăn cơm cùng gia đình, vậy nên ngoài những lễ vật như hoa quả, hàng mã, những món ăn mà người đã khuất thích ăn khi còn sống,...Bình thường gia đình mình ngày thường ăn uống như thế nào thì cúng như thế, thêm một số lễ vật để tỏ lòng thành kính, còn nếu không thì một Trái trứng + Chén cơm + Nén nhang + 1 ly nước + 1 Ly rượu là cũng đã thành một mâm lễ tưởng nhớ người đã khuất. Thế nên, tốt hơn hết là đồ mặn thì mình cúng tại gia. Còn đến chùa thì theo lệ của nhà chùa. Nhà chùa ăn chay để tránh gặp tội sát sinh, chứ thực ra ngày xưa Đức phật và các đệ tử đi khất thực thì khất thực được cái gì thì ăn cái nấy, không kể chay hay mặn.

    ReplyDelete
  2. @LU à, người mình nói "nhập gia tùy tục", cầu siêu ở chùa cho Ba có lẽ chỉ cần trái cây và lòng thành của LU là Ba vui lòng. Còn nếu muốn cúng Ba món mặn mà ba thích LU có thể mua về thắp hương ở nhà mời Ba được không? như thế, nếu linh hồn là có thật thì ba sẽ thấy ấm áp với lòng hiếu thảo của con gái yêu.

    ReplyDelete
  3. Entry này nhỏ viết chị thật sự thích đấy, chị biết em thừa hiểu mọi chuyện, nhưng trong sự hài hước, dí dõm của em chị cảm được nổi thương nhớ quay quắt của em về người cha quá cố của mình, em cố tình tưng tửng để che dấu mặc cảm có lỗi vì không thể về được giỗ Ba.
    Thật trùng hợp vì 2 tuần nữa cũng giổ Ba chị, chỉ mâm cơm đơn giản những món Ba chị thích,lầm rầm tâm sự vài câu với Ba và gọi điện thoại về nói chuyện với mẹ chị thế thôi.

    ReplyDelete
  4. Đồng ý với còm của chị BeBo.
    Mà mình càng ngày càng khâm phục tiếng Việt của Lu.

    ReplyDelete
  5. Lu ơi. Cúng giỗ cũng chỉ là tưởng nhớ, chủ yếu là ở tấm lòng thôi. Đồng ý với cái còm của chị Lana

    ReplyDelete
  6. Quan trọng nhất vẫn là lòng thành!

    ReplyDelete
  7. Lu ơi, trước hết là phải như HN, anh thắp một nén nhang tưởng nhớ ba em đã nha!

    Thứ nữa là nói câu này, Lu đừng giận nha: Lu mà tiếp tục đi tu nữa á, để cho đàn ông nhìn thấy tiểu Lu mà phát điên lên hả Lu?

    ReplyDelete
  8. Đằng sau sự dí dỏm của em là tình yêu thương và nỗi nhớ cha da diết... Con gái giống cha, em là một cô gái như vậy đấy Lu ạ.
    Thắp cho ba nén nhang giùm chị nghen em!

    ReplyDelete
  9. Cửa tuy mở, nhưng vẫn xin khẽ gõ...

    ReplyDelete
  10. Cả nhà : cám ơn cả nhà nhiều đã góp í với Lu việc cúng giỗ. Lu chưa cúng kiến gì ở nhà bao giờ cả. Định nhờ nhà chùa làm thì có lễ nghi hơn. Nhưng chắc là lần này cúng ở nhà thôi, vì sư ko đồng ý cúng mặn.

    ReplyDelete
  11. Em yêu chị nhiều hơn vì những entry như thế này. Chúc chị luôn cảm thấy lòng mình thanh thản. eLinh.

    ReplyDelete
  12. Ngàn Hống là nick của Hai Linh phải không? em mới open blog à? connect với blog của chị Lu cho vui heng.

    ReplyDelete