Thursday, April 28, 2011

IGOR STRAVINSKY, NHÀ SOẠN NHẠC BỊ QUÊN LÃNG


6.4 là ngày kỷ niệm 30 năm ngày mất của Igor Stravinsky - một trong những nhà soạn nhạc lớn nhất thế kỷ 20. Thế nhưng, thế giới hình như đã quên ông.

Paris, thành phố đã chứng kiến những thành công vang dội của Stravinsky, đã không hề tổ chức bất cứ buổi hoà nhạc nào, dàn dựng lại bất cứ vở ballet hay opera nào của ông trong tuần lễ kỷ niệm 30 năm ngày mất của thiên tài âm nhạc này (1883 - 1971). Ngay Mátxcơva và St. Petersburg, những nơi vẫn tôn trọng tài năng của ông, cũng không để ý đến sự kiện này. Thật khó hiểu tại sao con người đã từng thống trị âm nhạc cổ điển trong thế kỷ 20 lại bị quên lãng nhanh đến như vậy.

Stravinsky là một trong những tên tuổi lớn, sánh ngang với những vĩ nhân cùng thời như Picasso, Diaghilev, Nijinsky, Cocteau. Với tư cách là nhà soạn nhạc, nhạc trưởng và người độc tấu piano, ông là sức mạnh đưa đường dẫn lối cho âm nhạc thế kỷ 20 hơn bất cứ một nhà soạn nhạc nào khác.

Bị cha mẹ ép buộc phải học luật tại St.Petersburg, nhưng đến năm 20 tuổi Stravinsky quyết tâm học nhạc dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ thiên tài Nga Rimsky-Korsakov. Tài năng của ông được phát hiện năm 1909, khi Serge Diaghilev nghe nhạc của vở ballet Chim lửa do Stravinsky viết dựa theo truyện cổ tích Nga. Diaghilev đã ngay lập tức chọn tác phẩm này để trình diễn trong mùa opera và ballet Nga tại Paris. Một năm sau, Chim lửa đã được trình diễn tại Paris và được hoan nghênh nhiệt liệt. Dưới ảnh hưởng của Diaghilev, Stravinsky tiếp tục làm cho Paris phải thần phục bằng vở ballet Petrushka. Năm 1913, ông đã tạo ra vụ bê bối sân khấu lớn nhất mọi thời đại khi cho công diễn bản vở ballet Nghi lễ mùa xuân (Rite of Spring). Công chúng đã gần như nổi loạn, khi thấy Stravinsky chế nhạo truyền thống và phớt lờ mọi quy tắc về hoà âm, nhịp điệu và hình thức.

Bệnh tật đã khiến ông phải sống cuộc sống lưu vong. Năm 1917, trong khi ông đang chữa bệnh tại Thuỵ Sĩ, thì Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ. Không tìm được đường về nước Nga, ông chính thức cư trú ở Pháp từ năm 1920. Tại đây, dưới ảnh hưởng của Diaghilev, ông bắt đầu một sự nghiệp sáng chói, mở đầu bằng vở ballet Pulcinella. Suốt thập kỷ 1920 và 1930, ông là người đi đầu trong trường phái tân cổ điển, tuy các tác phẩm của ông không phải lúc nào cũng được công chúng chấp nhận.

Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ ở Châu Âu năm 1939, khiến Stravinsky lên tàu sang nước Mỹ. Lúc đầu ông giảng dạy tại Harvard và sau đó chuyển hẳn đến sinh sống tại kinh đô điện ảnh Hollywood. Năm 1962, khi đã bước sang tuổi 80, ông đột ngột đi lưu diễn liên tục và đã thành công rực rỡ khi trở lại Liên Xô biểu diễn ở Mátxcơva và Leningrad theo lời mời của nhà lãnh đạo Xôviết Nikita Khrushchev. Năm 1970, ông chuyển từ Hollywood lên New York và mất ở đó hai năm sau. Theo ý nguyện của Stravinsky, thi thể ông đã được chôn cất tại Venice (Italia) bên cạnh mộ của Diaghilev.

Một nhà phân tích âm nhạc đã viết rằng Stravinsky đã vượt xa hàng thế kỷ so với chính mình. Ông để lại dấu ấn trong mọi thể loại âm nhạc, từ giao hưởng cho đến jazz. Ông là nhà soạn nhạc mà âm nhạc phương Tây chịu ảnh hưởng mạnh nhất kể từ sau thời kỳ Phục hưng. Bằng việc đưa dân ca Nga và nhạc nhà thờ vào các tác phẩm của mình, ông đã tạo được một hình thức hoà âm mới, nghe thì rất hoàn hảo, nhưng không dễ gì phân tích được. Phải chăng chính sự phá phách trong điệu thức và đi ngược lại những khuôn khổ chính thống đã khiến cho âm nhạc của Stravinsky bị lãng quên?

Nguồn : VMC's blog

The Rite of Spring



La Consagracion de la Primavera



Pulcinella Overture



3 comments:

  1. Cảm ơn LU nhé, vì đã cùng yêu nước Nga.

    ReplyDelete
  2. rất đẹp! cảm ơn chị.


    Nguyên
    http://funnyteen296.wordpress.com/

    ReplyDelete
  3. Lana and Nguyên : rất hay đúng ko? nếu chỉ nghe nhạc ko thôi thì ko cảm hết được. Nhưng khi nó được lồng vào vũ điệu thì đúng là đột phá thật.

    ReplyDelete